Tống Văn Thái, người lính của Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam Cộng Hòa (kỳ 1)
(VienDongDaily.Com - 27/03/2016)
Bài BĂNG HUYỀNDáng người khá cao lớn, gương mặt ngăm đen, phúc hậu, đôi mắt sáng, giọng “rặt” Hà Nội xưa, cách nói chuyện điềm đạm, như "thôi miên" người nghe, như vẽ lại trong trí người nghe những thước phim tài liệu lịch sử thật sống động. Ông là Tống Văn Thái, từng được vinh dự nhận tặng thưởng Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, giữ cấp bậc trung úy thuộc phòng hoạt động Tổng Thống Phủ, là trung đội trưởng trung đội bảo vệ yếu nhân của cố vấn Ngô Đình Nhu thời đệ nhất cộng hòa. Qua đến thời đệ nhị cộng hòa, ông được phân công về phòng 6 bộ tổng tham mưu Quân Lực VNCH (đây là phòng phản gián) và là cố vấn việc huấn luyện cho các trung đội bảo vệ đại tá Ngô Dzu (đến năm 1970 đại tá Ngô Dzu được thăng cấp là trung tướng, là Tư Lệnh Quân Đoàn II và Vùng 2 Chiến Thuật). Tháng 4 năm 1964 ông chuyển công tác qua làm tại Sở Bắc (Còn có tên là Sở Khai Thác đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tổng Tham Mưu VNCH) là cơ quan chuyên huấn luyện các Biệt Kích nhảy ra ngoài Bắc. Ông đảm nhận công tác tìm người đủ tố chất và đáng tin cậy để đưa về sở Bắc Huấn Luyện trở thành các biệt kích nhảy Bắc.
Ông Tống Văn Thái, mặc áo đen ở
giữa trong một bức hình không ghi ngày và địa điểm, đã suy nghĩ rất
nhiều trước khi rời trường Y Khoa thời sinh viên tại Sài Gòn để gia nhập
Lực Lượng Đặc Biệt, sau khi nghe một vị đại diện chính phủ Ngô Đình
Diệm nói, “Vì thấy các anh có tâm thức, có học hỏi nên muốn huấn luyện
các anh với ước mong các anh sẽ thay thế, gách vác trách nhiệm với quốc
gia, nếu những người trẻ như các anh không chịu gánh vác, chúng tôi già,
chúng tôi chết, không có măng mọc, chẳng lẽ lại mời Tây, mời Tàu về à?”
Năm 1966, ông được thăng cấp từ trung úy lên đại úy khi ông tham gia vào toán Hector Bravo xâm nhập miền bắc để dò thám hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh.
Chỉ tiếc rằng chuyến đi này thất bại, ông cùng các đồng đội bị bắt, bản thân ông đã phải trải qua 20 năm sống trong các trại tù khổ sai ở Bắc Việt, đến năm 1986 ông mới được trở về từ cõi chết. Nhắc đến ký ức này, nó vẫn còn là nỗi đau nhức nhối, vì ông cho rằng ông và các đồng đội, những người lính VNCH đã không thể bảo vệ Miền Nam thoát khỏi ách cộng sản.
Qua trò chuyện cùng ông, người viết dễ dàng nhận thấy ở ông vẫn giữ được phong cách, nghĩa tình, tinh thần của người lính VNCH, lý tưởng với đất nước, quê hương. Từ câu chuyện cuộc đời mình cùng bao nỗi niềm trăn trở, ông ước mong câu chuyện mà ông chia sẻ sẽ góp thêm vào những câu chuyện mà các đồng đội của ông đã từng phổ biến, sẽ để lại cho thế hệ tiếp nối bài học quý giá về giá trị của cuộc đời, của con người và tình cảm rất mộc mạc, thiêng liêng của người lính VNCH.
Nhắc lại quá khứ của mình, ông Tống Văn Thái kể:
“Tôi sinh ra tại Hà Nội, gia đình tôi sống tại phố Hàng Bột. Cuộc đời học sinh của tôi ở Hà Nội khá êm đềm, tôi học trường Dũng Lạc. Năm 1954, lúc đó tôi được 14 tuổi, tôi và gia đình di cư vào Sài Gòn. Vào năm 1959 bên Phủ Tổng Thống VNCH mời tôi tham gia vào lực lượng đặc biệt, khi đó tôi đang là sinh viên y khoa năm thứ 1.
“Ban đầu tôi đã từ chối. Vì theo nguyên tắc tôi có quyền từ chối, do tôi có cha già (mẹ đã mất), và đang là sinh viên đại học. Tôi là con út trong gia đình có 8 người, trên tôi có 5 anh và 3 chị. Các anh tôi đã đi lính hết rồi, trong các người anh của tôi, có người anh là Đại Tá gián điệp Tống Văn Bình, vốn được nhiều người quen thuộc với mật danh Z.28 qua các tiểu thuyết của tác giả Người Thứ 8. Ông anh cả của tôi thì từng hoạt động kinh tài cho quốc dân đảng, đến năm 1954 di cư vào Nam, anh là người kinh tài cho giáo phái Cao Đài, và khi Ngô Đình Diệm về nước làm thủ tướng trước khi trở thành tổng thống, anh là người hoạt động kinh tài giúp Ngô Đình Diệm. Chính vì anh ủng hộ cho ông Ngô Đình Diệm nên bên Cao Đài cho là anh cả tôi phản lại Cao Đài, vì vậy bên Cao Đài đã cho mời anh cả tôi đi họp cùng với đại tá Hồ Anh Sơn và ba người khác, tất cả đã bị thủ tiêu hết.”
Ông Thái nói, vì ông là con út, gia đình ông lại rất kỳ vọng ông làm rạng danh bằng việc học hành đỗ đạt, nên ông đã thi đậu vào y khoa.
“Khi tôi từ chối tham gia vào lực lượng đặc biệt, đại diện bên Tổng Thống Phủ có nói với tôi, Vì thấy các anh có tâm thức, có học hỏi nên muốn huấn luyện các anh với ước mong các anh sẽ thay thế, gách vác trách nhiệm với quốc gia, nếu những người trẻ như các anh không chịu gánh vác, chúng tôi già, chúng tôi chết, không có măng mọc, chẳng lẽ lại mời Tây, mời Tàu về à? Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về lời nói này, nên đã đồng ý gia nhập vào Lực Lượng Đặc Biệt. Vì đây là Lực Lượng Đặc Biệt, nhưng không có nghĩa là mình chịu tham gia là được ngay, mà phải trải qua thời gian huấn luyện, thi tuyển nghiêm ngặt thì mới chính thức vào được lực lượng này.”
Lực Lượng Đặc Biệt
Trên trang Wikipedia, có giới thiệu khá chi tiết về Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam Cộng Hòa, xin được trích lại trong bài viết này:
“Lực Lượng Đặc Biệt (Army of the Republic of Vietnam Special Forces, ARVNSF) - viết tắt: LLDB - là một đơn vị quân sự chính quy của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Khởi đầu là các toán biệt kích được huấn luyện để hoạt động sâu trong vùng kiểm soát của đối phương, chủ yếu để làm các nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, bắt cóc, phá hoại các mục tiêu quân sự. Về sau, lực lượng này phát triển thêm thành đơn vị tác chiến, có vai trò như một binh chủng đặc biệt tinh nhuệ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
“Tháng 2 năm 1956, sau khi tiếp nhận căn cứ GCMA (Groupement de Commandos Mixtes Aéroportés, Lực Lượng Biệt Kích Không Vận Hỗn Hợp) của Pháp tại Nha Trang, với sự trợ giúp của Phái Bộ Cố Vấn Quân Sự (Military Assistance Advisory Group - MAAG) Mỹ tại Việt Nam, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã cho thành lập Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Đội, nhằm xây dựng cơ sở huấn luyện biệt kích cho Việt Nam Cộng hòa. Về tổ chức, trung tâm này được đặt dưới quyền quản lý của Nha Tổng Nghiên Huấn, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.
“Cuối năm 1956, theo khuyến cáo của cơ quan tình báo Hoa Kỳ, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã giải thể Nha Tổng Nghiên Huấn. Các bộ phận tình báo chiến lược và phản gián được chuyển về cho Sở Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội. Bộ phận biệt kích được chuyển về cho một tổ chức mới là Sở Liên Lạc, trực thuộc Phủ Tổng Thống, ngân sách do Mỹ đài thọ. Đại tá Rogers là người đầu tiên được cử đến làm cố vấn cho Sở này, sau đó Đại tá Floyld Parker đến thay thế. Giám đốc và Phó Giám Đốc Nha Tổng Nghiên Huấn là Trung Tá Lê Quang Tung và Đại Úy Trần Khắc Kính được bổ nhiệm làm Giám Đốc và Phó Giám Đốc Sở Liên Lạc. Tháng 4 năm 1960, Sở Liên lạc được đổi tên thành Sở Khai Thác Địa Hình. Tuy nhiên, chức năng, tổ chức và nhân sự của cơ quan này vẫn không có gì thay đổi.
“Trên thực tế, Sở Khai Thác Địa Hình tập trung vào công tác tuyển mộ, huấn luyện biệt kích. Chính do nhiệm vụ này, trong các phòng chuyên môn, Phòng 45 hay Sở Bắc, phụ trách các hoạt động tung gián điệp biệt kích ra miền Bắc; và Phòng 55 hay Sở Nam, phụ trách các hoạt động biệt kích trong lãnh thổ VNCH, đóng một vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, từ năm 1961, Sở còn thành lập thêm một số đại đội Biệt cách dù biệt lập để làm thành phần hỗ trợ, ứng cứu cho những toán nhảy qua Lào hay ở những vùng biên giới nguy hiểm.
“Bên cạnh đó, một nhiệm vụ khác, tuy không chính thức, nhưng được xem là ưu tiên nhất của Sở Liên lạc là chỉ huy lực lượng cơ động tinh nhuệ chuyên dùng để bảo vệ Phủ Tổng Thống chống những cuộc đảo chính. Chính vì vậy, mặc dù các hoạt động tung gián điệp biệt kích ra miền Bắc tỏ ra kém hiệu quả, quân số của Liên Đoàn Quan Sát số 1 vẫn phát triển không ngừng. Tháng 11 năm 1961, Liên đoàn quan sát số 1 được cải danh thành Liên đoàn 77. Tháng 2 năm 1963, Liên đoàn 31 được thành lập. Ngày 15 tháng 3 năm 1963, Tổng Thống Diệm ra quyết định thành lập Lực Lượng Đặc Biệt trên cơ sở bộ máy của Sở Khai Thác Địa Hình và 2 đơn vị tác chiến là Liên Đoàn Biệt Kích 77 và 31. Về nguyên tắc, Lực Lượng Đặc Biệt được chuyển thuộc sang Bộ Quốc Phòng, có quy mô tương đương cấp Lữ Đoàn, nhưng trên thực tế, Tổng Thống có toàn quyền điều động đơn vị này thông qua một cơ quan chỉ huy trực tiếp là Phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống, mà thực chất chính các Bộ Chỉ Huy Lực Lượng Đặc Biệt, do Đại Tá Lê Quang Tung làm Chỉ Huy Trưởng.
“Lực lượng đặc biệt hoàn toàn bị vô hiệu hóa trong cuộc đảo chính năm 1963 khi chỉ huy trưởng Lê Quang Tung bị giết chết ngay khi cuộc đảo chính vừa nổ ra. Sau đảo chính, Phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống bị giải tán. Lực lượng đặc biệt cũng được phân chia thành nhiều đơn vị khác nhau. Sở Bắc được tách riêng để hình thành một cơ quan độc lập trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu. Phòng ban khác cũng được giải thể và phân vào các cơ quan thuộc Bộ Quốc Phòng. Riêng các đơn vị tác chiến được tập hợp để hình thành một đơn vị độc lập với bộ chỉ huy riêng.
“Tháng 7 năm 1964, Liên Đoàn 31 được cải danh thành Liên Đoàn 111 và Liên Đoàn 77 được cải danh thành Liên Đoàn 301. Tất cả đều đặt dưới quyền Chỉ huy trưởng Lực lượng đặc biệt.
“Ngày 19 tháng 6 năm 1965, Liên Đoàn Biệt Kích 111 và 301 bị giải tán. Các đơn vị chiến đấu được sắp xếp lại để chính thức hình thành binh chủng Lực lượng đặc biệt, gồm một Bộ Tư Lệnh, một đại đội Tổng Hành Dinh, một trung tâm huấn luyện, và 4 bộ chỉ huy (C) ở 4 quân khu. Mỗi C có một số B và mỗi B có một số toán A quân số vào khoảng 12 người. Ngoài ra, các đại đội biệt cách dù độc lập cũng được tập hợp thành Tiểu đoàn 91 Biệt cách dù, cũng được đặt dưới quyền điều động của Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt. Tổng cộng quân số Lực lượng đặc biệt vào khoảng 5,000 trong thời điểm đó.
“Ngày 1 tháng 4 năm 1968, Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Dù được cải danh thành Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Dù. Một cơ quan tham mưu là Trung Tâm Hành Quân Delta được thành lập để giúp Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt chỉ huy hành quân các đơn vị Biệt Cách Dù.
“Cuối tháng 12 năm 1970, do các hoạt động tung biệt kích ra miền Bắc hoặc các vùng biên giới do quân đội [cộng sản] Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa kiểm soát không có hiệu quả, Lực lượng đặc biệt bị giải tán. Các sĩ quan và binh lính được chuyển sang các đơn vị khác, chủ yếu về lực lượng Biệt Động Quân. Riêng Trung Tâm Hành Quân Delta và Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Dù được sát nhập lại để hình thành Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù. Huy hiệu của Lực Lượng Đặc Biệt cũng trở thành huy hiệu của Liên Đoàn 81.”
Những bài học huấn luyện
Ông Tống Văn Thái nói để vào được Lực Lượng Đặc Biệt, người đó phải là những người gan dạ, thông minh, được huấn luyện rất kỹ và cam khổ. Nhờ ông có học võ Thiếu Lâm từ nhỏ, rồi học thêm võ Taekwondo có đai đệ nhị đẳng, ông lại biết bơi giỏi, “Khi thi tuyển, phải bơi qua rồi bơi lại sông Sài Gòn ở bến Bạch Đằng, vì một trong những yêu cầu của người điệp viên là phải biết bơi giỏi, vì Việt Nam hết 90 phần trăm là sông ngòi, nếu không biết bơi giỏi, thì làm sao mà hoạt động được.” ông Thái nói.
Nhờ đủ những yêu cần cơ bản nên bước đầu thi tuyển ông đã đậu và được theo học các lớp huấn luyện để trở thành một điệp viên của Lực Lượng Đặc Biệt.
Ông Thái cho biết ông đã trải qua khóa huấn luyện khoảng 1 năm, được huấn luyện ở trường tình báo theo phương pháp huấn luyện kiểu của Nhật Bản. Ban đầu ông được cho học nhảy dù, sau khi học và thi đậu rồi thì mới chuyển qua học tiếp những khóa huấn luyện khác như leo dây, làm quen với các loại vũ khí, chất nổ kể cả vũ khí, chất nổ của khối cộng sản, học những bài học huấn luyện phải biết tự cứu mình, biết chuyển bại thành thắng.
Khi bị địch quân bắt thì phải làm thế nào, chẳng hạn súng dí vào đầu, rồi lưỡi lê dí vào lưng rồi, làm sao phải đạp bay súng, bay lưỡi lê đi để tự cứu mình. Hoặc khi bị giải đi thì làm sao để trốn thoát; sử dụng những thế võ cận chiến ra tay bất ngờ, những thế võ làm sao hạ ngay đối thủ để thoát thân. Những bài tập khắc nghiệt để đẩy sức chịu đựng về tinh thần cũng như thể chất của học viên tới giới hạn tuyệt đối.
Vì một người gián điệp sẽ phải xâm nhập vào hang ổ của địch, để dọ thám lấy tin tức về tình hình quân sự, chính trị, kinh tế hoặc tác động, phá hoại… Ở giữa “biển giáo, rừng gươm,” một mình hoạt động đơn tuyến, tính mạng lúc nào cũng treo “trên miệng cọp,” đòi hỏi phải luôn bình tĩnh hoạt động, mưu trí, tạo nên 'tấm bình phong' an toàn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Do việc làm có tính chất nguy hiểm và quan trọng nên nếu có bất trắc xảy ra, phải chấp nhận hi sinh bản thân chứ nhất quyết không khai gì khác.
(Còn tiếp)